Sàng lọc ung thư phổi

1- Tổng quan

Ở Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Đây là một trong số những bệnh ung thư nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao, do thường được phát hiện muộn và khó điều trị.  Do đó, việc tầm soát ung thư phổi để phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn đầu rất hữu ích cho việc điều trị và giảm tỷ lệ tử vong.

2- Các phương pháp sàng lọc

Chụp X-quang ngực:

Là phương pháp chụp các cơ quan và xương bên trong ngực. X quang là một loại tia năng lượng có thể đi qua cơ thể và cho hình ảnh của khu vực bên trong cơ thể trên phim chụp.

Chụp X quang ngực không được khuyến cáo trong sàng lọc ung thư phổi. Nhiều thử nghiệm lâm sàng được tiến hành, tuy nhiên không thử nghiệm nào trong số đó cho thấy hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong khi sàng lọc bằng chụp X quang ngực.

Xét nghiệm đờm:

Xét nghiệm đờm là một thủ tục trong đó bác sĩ sẽ lấy mẫu đờm (chất nhầy từ phổi) và quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra tế bào ung thư.

Xét nghiệm đờm cũng không được khuyến cáo trong sàng lọc ung thư phổi.

Chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp:

Sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp liều thấp là một tiến bộ lớn của lĩnh vực sàng lọc ung thư. Cách sàng lọc này với phần mềm vi tính hỗ trợ diễn giải hình ảnh chụp chính xác và giảm chi phí. Liều chụp được đặt ở mức 2mSv (so với liều chuẩn 7mSv), giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính ngực thông thường.

Các dữ liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp ung thư phổi được phát hiện khi so với chụp x quang phổi thông thường. Chính nhờ những lợi ích rõ rệt như vậy, do đó, nhiều khuyến cáo hiện nay đang đề nghị đưa chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp, tiến hành hàng năm là phương pháp tốt để sàng lọc, phát hiện ung thư phổi sớm.

Test chẩn đoán được coi là dương tính khi phát hiện các nốt không calci hóa từ 4mm trở lên đối với chụp cắt lớp vi tính liều thấp, và nốt không calci hóa bất kỳ trên X quang ngực.

3- Chiến lược sàng lọc

Hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các trung tâm, hiệp hội như Hội phẫu thuật lồng ngực Mỹ, hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ… về nhóm đối tượng cụ thể được sàng lọc. Tuy nhiên cơ bản đều thống nhất sàng lọc ở những người từ 50 tuổi, tiền sử hút thuốc là từ 20 bao năm, kết hợp thêm một số yếu tố nguy cơ cao như tiền sử phơi nhiễm, tiếp xúc khói bụi, sống trong môi trường nhiễm xạ…

Ở Việt Nam, trong điều kiện hiện nay, chúng tôi đề xuất chụp cắt lớp vi tính ngực với liều xạ thấp, tiến hành hàng năm, cho chẩn đoán sớm ung thư phổi ở những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi, bao gồm:

  • Tuổi từ 50
  • Hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm;
  • Tiếp xúc khói, bụi, ô nhiễm nghề nghiệp, sống trong môi trường nhiễm xạ;

4- Dự phòng

Dự phòng ung thư phổi chủ yếu là phòng bệnh bước 1:

Hút thuốc lá: gây 90% ung thư phổi

Nguy cơ gây ung thư tăng theo thời gian hút thuốc, hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ. Do đó cần phải:

+ Tuyên truyền tác hại của thuốc lá

+ Chống hút thuốc lá nơi công cộng

+ Khuyên những người đang hút thuốc ngừng hút .

+ Hỗ trợ cho người bệnh ngừng hút

+ Tổ chức thăm khám theo dõi định kỳ.

Chú ý tuyên truyền đối với những thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc, và phụ nữ mang thai.

5- Tóm tắt

Ung thư phổi là một trong những ung thư có tỷ lệ tử vong cao. Dự phòng bước 1 bằng việc ngừng hút thuốc giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do ung thư phổi.

Sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp được khuyến cáo do chi phí thấp, giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính thông thường, và giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi.

Chụp X quang ngực thường quy và xét nghiệm đờm không được khuyến cáo trong sàng lọc ung thư phổi.

Chỉ định sàng lọc ung thư phổi cho những đối tượng nguy cơ cao: tuổi ≥50, tiền sử hút thuốc là từ 20 bao năm, tiếp xúc khói bụi, phơi nhiễm phóng xạ…. Test sàng lọc được thực hiện là chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp hàng năm.

Xét nghiệm được coi là dương tính khi phát hiện các nốt tổn thương phổi không calci hóa từ 4mm trở lên.

6- Tài liệu tham khảo

  1. Fontham ET, Correa P, Reynolds P, et al. Environmental tobacco smoke and lung cancer in nonsmoking women. A multicenter study. JAMA 1994; 271:1752.
  2. Burns DM. Primary prevention, smoking, and smoking cessation: implications for future trends in lung cancer prevention. Cancer 2000; 89:2506.
  3. Patz EF Jr, Goodman PC, Bepler G. Screening for lung cancer. N Engl J Med 2000; 343:1627.
  4. Brain K, Lifford KJ, Carter B, et al. Long-term psychosocial outcomes of low-dose CT screening: results of the UK Lung Cancer Screening randomised controlled trial. Thorax 2016; 71:996.
  5. Brain K, Carter B, Lifford KJ, et al. Impact of low-dose CT screening on smoking cessation among high-risk participants in the UK Lung Cancer Screening Trial. Thorax 2017; 72:912.
  6. Brenner DJ. Radiation risks potentially associated with low-dose CT screening of adult smokers for lung cancer. Radiology 2004; 231:440.
  7. Larke FJ, Kruger RL, Cagnon CH, et al. Estimated radiation dose associated with low-dose chest CT of average-size participants in the National Lung Screening Trial. AJR Am J Roentgenol 2011; 197:1165.
  8. Lindell RM, Hartman TE, Swensen SJ, et al. Five-year lung cancer screening experience: CT appearance, growth rate, location, and histologic features of 61 lung cancers. Radiology 2007; 242:555.
  9. Oken MM, Hocking WG, Kvale PA, et al. Screening by chest radiograph and lung cancer mortality: the Prostate, Lung, Colorectal, and Ovarian (PLCO) randomized trial. JAMA 2011; 306:1865.
  10. Gohagan J, Marcus P, Fagerstrom R, et al. Baseline findings of a randomized feasibility trial of lung cancer screening with spiral CT scan vs chest radiograph: the Lung Screening Study of the National Cancer Institute. Chest 2004; 126:114.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.