UNG THƯ CỔ TỬ CUNG NGUY HIỂM NHƯNG PHÒNG NGỪA HIỆU QUẢ

Ung thư cổ tử cung là bệnh ác tính ở tế bào biểu mô bề mặt cổ tử cung liên quan đến vi-rút gây u nhú ở người.

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư cổ tử cung là bệnh ác tính thường gặp thứ tư ở phụ nữ trên toàn thế giới với ước tính 530.000 ca mắc mới và 270.000 ca tử vong vào năm 2012. Tại châu Âu, ước tính 58.400 ca mắc mới ung thư cổ tử cung vào năm 2012.

Vi-rút gây u nhú ở người (HPV) là yếu tố gây bệnh quan trọng nhất. Tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung liên quan với tình trạng bắt đầu quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, hút thuốc lá, địa vị kinh tế xã hội thấp, dinh dưỡng kém, sử dụng thuốc tránh thai đường uống và ức chế miễn dịch. 

Sàng lọc hiệu quả bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung tại các quốc gia phát triển đã làm giảm tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong đến 75% trong 50 năm qua.

Sáu mươi phần trăm chẩn đoán tại các quốc gia phát triển là ở phụ nữ không bao giờ sàng lọc hoặc chưa được sàng lọc trong vòng 5 năm trước khi chẩn đoán.

Vi-rút gây u nhú ở người (HPV) là yếu tố gây bệnh quan trọng nhất, với hầu hết các khối u (99,7%) u có chứa ADN HPV. HPV-16 và 18 là 2 loại có nguy cơ cao thường gặp nhất được phát hiện ở hơn 70% bệnh ác tính. Các loại có nguy cơ cao khác là 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68, 73 và 82. Tỷ lệ nhiễm mới đỉnh điểm là vào các năm cuối tuổi vị thành niên và những năm đầu tuổi 20, nhưng ở 80% bệnh nhân, bệnh sẽ khỏi trong 12 đến 18 tháng với thời gian nhiễm bệnh trung bình là khoảng 8 tháng. Sau khi khỏi nhiễm trùng, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung sẽ trở về mức ban đầu. Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra khi không nhiễm HPV nhưng rất hiếm. 

1. Triệu chứng của ung thư cổ tử cung:

Trên lâm sàng bệnh nhân có thể có những biểu hiện như: 

  • Ra máu âm đạo bất thường: Phụ nữ mãn kinh nhiều năm, bỗng nhiên xuất huyết âm đạo không lý do, hoặc xuất huyết âm đạo ngoài kì kinh, hoặc xuất huyết âm đạo sau quan hệ tình dục.
  • Tiết dịch âm đạo nhiều: Lượng huyết trắng nhiều, thay đổi cả về tính chất, có mùi hôi và kèm theo sự thay đổi trong màu sắc
  • Đau vùng chậu và lưng: Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, cơn đau sẽ tiếp tục lan xuống chân và gây ra hiện tượng sưng phù ở chân.
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Bất thường trong tiểu tiện: Rò rỉ nước tiểu ngay cả khi hắt hơi, vận động mạnh, tiểu máu, đau buốt khi tiểu tiện…
  • Chu kì kinh nguyệt bất thường: rong kinh, rong huyết, kinh nguyệt kéo dài, máu hành kinh có màu đen sẫm, có mùi hôi.

Tuy nhiên ung thư CTC có thể phát hiện ở giai đoạn sớm (ung thư tại chỗ) chưa có các triệu chứng lâm sàng, và thời gian từ giai đoạn nghịch sản CTC đến giai đoạn ung thư xâm lấn khá lâu, trung bình là 10-15 năm. Đây là thời gian vàng để phát hiện và xử lý các tổn thương.

Giai đoạn nghịch sản cổ tử cung, ung thư tại chỗ cổ tử cung, khả năng điều trị thành công cao và điều trị đơn giản, ít tốn kém hơn nhiều so với ung thư giai đoạn xâm lấn. Người bệnh ở giai đoạn này có thể bảo tồn hoàn toàn tử cung phần phụ và có thể có con bình thường.

2. Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

2.1. Ngăn ngừa sơ cấp:

  • Vi-rút gây u nhú ở người (HPV) lây lan qua tiếp xúc da kề da; vì vậy tình dục an toàn và tránh thai hiệu quả bằng phương pháp rào cản có thể đóng vai trò trong phòng ngừa ban đầu.
  • Tiêm vắc-xin HPV có thể ngăn ngừa nhiễm HPV và bệnh liên quan đến HPV.] Phần lớn các ca ung thư liên quan đến HPV là do loại HPV 16 hoặc 18 (khoảng 70%), cả hai đều là mục tiêu của vắc-xin HPV.
  • Ba loại vắc-xin HPV có sẵn trên toàn thế giới là:
  • Nhị giá (bảovệ khỏi loại HPV 16 và 18)
  • Tứ giá (bảo vệ khỏi các loại HPV 6, 11, 1 6và 18)
  • Cửu (9) giá (bảo vệ khỏi các loại HPV 6, 11, 16, 18 ,31, 33, 45, 52 và 58).
  • Lịch tiêm vắc-xin khuyến cáo là hai liều tiêm bắp ở thời điểm 0 và 6 đến 12 tháng từ khi bắt đầu tiêm vắc-xin trước 15 tuổi, hoặc ba liều tiêm bắp ở thời điểm 0, 1 đến 2 và 6 tháng khi bắt đầu tiêm vắc-xin sau 15 tuổi.
    • Sàng lọc ung thư cổ tử cung:

Khuyến cáo bao gồm sàng lọc phụ nữ tuổi từ 21 đến 65 bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap’s)

Tế bào CTC là phương pháp sàng lọc CTC được áp dụng từ năm 1941 do Papanicolaou. Nguyên lý của phương pháp này là dựa vào sự thay đổi niêm mạc âm đạo, CTC bong ra liên tục, nhất là khối u ác tính.

Khi thực hiện Pap’s, bạn không được thụt rửa âm đạo, không đặt thuốc hoặc giao hợp trong vòng 24 giờ hoặc đang hành kinh hay có viêm nhiễm âm đạo, viêm CTC nặng. Độ nhạy của tế bào CTC thay đổi từ 30- 87% và độ đặc hiệu khoảng 86% khi có tổn thương CTC từ LSIL trở lên. 

Đối với phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi, khuyến cáo xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung đồng thời với vi-rút gây u nhú ở người (HPV) 5 năm một lần như biện pháp thay thế cho chỉ xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung 3 năm một lần. 

Xét nghiệm HPV phát hiện nguyên nhân gây bệnh, cho kết quả chính xác không phụ thuộc chủ quan người đọc. Các nước trên thê giới đang hướng tới chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung dựa trên HPV DNA đầu tay hoặc kết hợp xét nghiệm tế bào và HPV (co-testing)

Cần lặp lại xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung trong 2 đến 4 tháng nếu các phát hiện ban đầu không đạt yêu cầu. Nếu đồng xét nghiệm cho kết quả âm tính ở xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung nhưng lại dương tính ở xét nghiệm HPV, thì cần lặp lại cả hai xét nghiệm sau 12 tháng. Nếu tại thời điểm đó hai xét nghiệm đều âm tính, có thể trở lại lịch sàng lọc thường kỳ. Nếu xét nghiệm HPV vẫn dương tính, cần chỉ định bệnh nhân đi soi cổ tử cung. Những phụ nữ có kết quả xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung bất thường cần được đánh giá phù hợp, bất kể kết quả xét nghiệm HPV ra sao. Cần đặc biệt lưu ý rằng cần tiếp tục sàng lọc bằng ngay cả khi bạn đã tiêm vắc xin HPV. 

Soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung là những xét nghiệm tiếp theo dùng để chẩn đoán sớm khi kết quả phết tế bào bất thường.

Soi CTC là phương pháp dùng hệ thống quang học phóng đại với nguồn sáng mạnh để đánh giá lớp biểu mô CTC- âm đạo. Phương pháp này giúp quan sát tế bào rõ ràng hơn nhưng là phương tiện đắt tiền và cán bộ phải tập huấn nên thực hiện soi CTC ở trường hợp nghi ngờ tổn thương tiền ung thư, ung thư CTC để tìm thương tổn và phối hợp với sinh thiết để chẩn đoán.

Chỉ định: Thực hiện khi tế bào CTC bất thường hoặc VIA (+), VIA (+) nghi ngờ ung thư hoặc lâm sàng nghi ngờ

Sinh thiết cổ tử cung là phương tiện sau cùng trong chẩn đoán tổn thương tại cổ tử cung. Chỉ định tương tự như soi cổ tử cung: thực hiện khi tế bào CTC bất thường, hoặc VIA (+) hoặc lâm sàng nghi ngờ ung thư.

Điều trị ung thư cổ tử cung khác nhau tùy thuộc từng giai đoạn:

-Giai đoạn tại chỗ, giai đoạn IA1 (bệnh vi xâm lấn) chỉ cần cắt bỏ một phần cổ tử cung có thể bằng vòng điện, dao lạnh hoặc laser. Ở giai đoạn này nguy cơ di căn tới hạch rất thấp (1%) nên không cần cắt bỏ hạch bạch huyết khi không xâm lấn mạch bạch huyết. Tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn này là 100%.

-Giai đoạn IA2-IIA: u <= 4cm, ưu tiên cắt bỏ tử cung hoàn toàn kèm vét hạch bạch huyết. u > 4cm ưu tiên hóa xạ trị. Giai đoạn này tỷ lệ sống sau 5 năm từ 50-70%.

– Giai đoạn IIB-IVA: hóa xạ trị là liệu pháp hàng đầu.

– Giai đoạn IVB: bệnh di căn: hóa trị liệu kết hợp, chăm sóc giảm nhẹ mà không hóa trị liệu sau đó là lựa chọn thay thế hợp lý nên xem xét. Ở giai đoạn IV tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ khoảng 5% đến 15%.

 Ung thư CTC giai đoạn càng sớm điều trị càng đơn giản và hiệu quả, giai đoạn muộn điều trị khó khăn và kết quả hạn chế.

Đặc biệt ung thư cổ tử cung có thể sàng lọc hiệu quả bằng các phương pháp đơn giản. Sàng lọc bằng tế bào học (Pap) tại các quốc gia phát triển đã làm giảm tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong đến 75% trong 50 năm qua. Ung thư cổ tử cung giai đoạn tại chỗ điều trị đơn giản và tỷ lệ thành công cao, Thời gian sống thêm sau 5 năm ở giai đoạn này là 100 %.

Cùng với sự triển của các tổ chức y khoa trên thế giới, Bộ y tế Việt Nam cũng đưa ra kế hoạch hành động Quốc gia trong dự phòng và kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2025 bằng việc đưa ra các phác đồ hướng dẫn sàng lọc ung thư cổ tử cung như sàng lọc bằng tế bào học, sàng lọc bằng HPV DNA, sàng lọc bằng VIA, sàng lọc bằng bộ đôi xét nghiệm HPV DNA kết hợp với xét nghiệm tế bào học (Cotesting).

Chị em phụ nữ hãy đến các trung tâm y tế uy tín để tư vấn, khám sàng lọc định kì ung thư cổ tử cung để căn bệnh này không còn là sự sợ hãi, gánh nặng và nỗi đau của các gia đình.

Sanglocungthu.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.