Sàng lọc và dự phòng ung thư dạ dày

1- ĐẠI CƯƠNG

Ung thư dạ dày là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như trên thế giới[1]. Việc tiến hành sàng lọc một cách hệ thống và điều trị dự phòng đối với ung thư dạ dày trên thế giới còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên tại một số nước có tỉ lệ mắc bệnh cao thì việc sàng lọc và điều trị dự phòng mang lại hiệu quả tích cực[2]. Tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, kinh phí điều trị lớn. Nhật Bản và Hàn Quốc có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Tuy nhiên nhờ có các chương trình sàng lọc giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm cao và điều trị dự phòng thành công từ đó giảm bớt kinh phí điều trị và quá trình điều trị trở nên đơn giản.[3.4.5.6]

2- CÁC PHƯƠNG PHÁP SÀNG LỌC UNG THƯ DẠ DÀY

Hai biện pháp hữu hiệu hiện nay đang được sử dụng để sàng lọc ung thư dạ dày là nội soi dạ dày và chụp đối quang kép dạ dày

Nội soi dạ dày:

Ưu điểm của nội soi cho phép quan sát được các thay đổi của niêm mạc dạ dày và tiến hành sinh thiết qua nội soi để có chẩn đoán mô bệnh học, qua đó cho phép chẩn đoán các ung thư dạ dày tại chỗ hoặc xâm lấn. Ngoài ra các tổn thương tiền ung thư cũng có thể thấy được trên nội soi như: viêm teo, loét, polyp hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến. Sinh thiết các tổn thương nghi ngờ cũng có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư trên mô bệnh học như viêm teo, tăng sản, dị sản, loạn sản… Ngoài ra, nội soi cũng có thể đánh giá tình trạng có hay không có nhiễm Helocobacter Pylori, một trong số những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, giúp cho việc điều trị dự phòng. Nhược điểm của nội soi dạ dày bao gồm: là phương pháp có xâm lấn, chi phí tương đối cao và đôi khi khó khăn trong đánh giá các thương tổn thể thâm nhiễm, một thể chủ yếu lan tràn dưới niêm mạc còn niêm mạc biểu hiện rất kín đáo. Thời gian tiến hành nội soi định kì thường từ 2-3 năm 1 lần. Độ nhạy của nội soi trong chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn tại chỗ khoảng 68%[7].  Ung thư dạ dày là loại bệnh lý tiến triển khá nhanh, do đó trong sàng lọc, vai trò của nội soi dạ dày chủ yếu tập trung vào phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư. Nội soi dạ dày với ánh sáng thông thường (ánh sáng trắng với dải tần số 400-700nm) giúp dễ dàng phát hiện các tổn thương ung thư xâm lấn nhưng lại bỏ sót các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư sớm với tỉ lệ khá cao. Nguyên nhân chủ yếu là do các tổn thương tiền ung thư biểu hiện trên hình ảnh nội soi ánh sáng trắng rất kín đáo, bơm hơi không đủ căng và mức độ phóng đại hình ảnh không đủ lớn. Khắc phục những nhược điểm này, nội soi dạ dày với dải tần ánh sáng hẹp (NBI- Narrow Band Imaging) sử dụng 2 tần số 415±30nm và 540±30nm với các ưu điểm bơm hơi căng, độ phóng đại lớn và sử dụng bộ kính lọc sắc giúp phát hiện được các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư sớm dễ dàng hơn.

Chụp dạ dày cản quang

Chụp dạ dày cản quang kĩ thuật số hoặc chụp đối quang kép là 2 kĩ thuật thường được sử dụng nhất. Giá trị lớn nhất của chụp dạ dày cản quang chủ yếu trong chẩn đoán ung thư thể thâm nhiễm, biểu hiện bằng hình ảnh vùng tổn thương thâm nhiễm cứng, mất nhu động. Còn lại đối với các thể ung thư dạ dày khác giá trị của nó khá hạn chế do độ nhạy thấp, có những tổn thương độ nhạy thấp đến 14% và tỉ lệ âm tính giả lên đến 50%[8].

Một nghiên cứu lớn nhất của Hàn Quốc trên 2.690.371 người nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày nhận thấy độ nhạy của nội soi và chụp dạ dày cản quang trong phát hiện tổn thương dạ dày lần lượt là 69% và 32% trong khi độ đặc hiệu khoảng 96%.[9-10]. Theo kết quả của các nghiên cứu lớn, đa trung tâm cho thấy hiệu quả sàng lọc ung thư dạ dày chỉ được thấy rõ ở những nhóm quần thể nguy cơ cao (tỉ lệ mắc chung >25.9/100.000 dân), độ tuổi 50-70 tuổi[11].

Một số các xét nghiệm sàng lọc khác

Nồng độ Pesinogen huyết thanh

Nồng độ thấp Pepsinogen huyết thanh có thể gợi ý tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày. Người có nồng độ Pepsinogen huyết thanh thấp có thể là nhóm nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, do đó nên tiến hành các xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng này như nội soi dạ dày hoặc chụp dạ dày cản quang.

Nồng độ TTF3 huyết thanh

TTF3 được tìm thấy nhiều trong mô dạ dày tăng sản hoặc loạn sản. Độ nhạy của TTF3 khoảng 81% so với độ nhạy của Pepsinogen huyết thanh khoảng 88%. Tuy nhiên độ đặc hiệu của chúng thấp chỉ khoảng 45%. Do đó chúng chỉ được sử dụng như 1 xét nghiệm xác định nhóm nguy cơ cao để tiến hành các xét nghiệm sàng lọc khác.

Micro RNA

3 loại micro RNA 421, micro RNA 18a, micro RNA 106a được tìm thấy cao trong mô dạ dày ung thư và trong máu. Lợi điểm lớn nhất của chúng là có vẻ như chúng khá đặc hiệu. Tuy nhiên các nghiên cứu về chúng còn rất hạn chế. Trong tương lại có thể chúng sẽ được sử dụng như một dấu ấn sinh học tương đối đặc hiệu để phát hiện và theo dõi ung thư dạ dày[12.13]

3- PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN SÀNG LỌC

Hiện nay trên thế giới việc tiến hành thực hiện sàng lọc ung thư dạ dày chủ yếu được thực hiện tại các quốc gia có tỉ lệ mắc cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile và Venezuela. Đối tượng sàng lọc với Nhật Bản là người > 50 tuổi và với Hàn Quốc là 40-75 tuổi. Xét nghiệm sử dụng là nội soi dạ dày định kì 2-3 năm 1 lần. Có thể sử dụng nội soi dạ dày có bơm hơi căng, độ phóng đại lớn và sử dụng nội soi ánh sáng dải tần hẹp (NBI)[14-15]. Thời gian tiến hành sàng lọc định kì thường là mỗi 2-3 năm 1 lần. Tuy nhiên với những nhóm đối tượng nguy cơ cao thì có thể rút ngắn hơn mỗi 1-2 năm tùy theo mức độ nguy cơ cao. Nhóm người nguy cơ cao được xác định bao gồm:

  • Tăng sản hoặc polyp tuyến dạ dày
  • Thiếu máu nghi ngờ ác tính
  • Dị sản ruột tại dạ dày
  • Bệnh nhân hoặc tiền sử gia đình có polyp tuyến có tính chất gia đình(FAP)
  • Bệnh nhân hoặc gia đình có người mắc hội chứng Lynch
  • Bệnh nhân hoặc gia đình có người mắc hội chứng Peutz-Jeghers
  • Bệnh nhân hoặc gia đình có người mắc hội chứng Juvenile polyposis

4- ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG

Điều trị dự phòng chủ yếu nhằm vào những đối tượng phát hiện các tổn thương tiền ung thư. Các tổn thương tiền ung thư như loét mạn tính, viêm teo, dị sản, loạn sản, tăng sản. Các tổn thương này sau điều trị nội khoa không hết có thể cân nhắc chỉ định cắt hớt niêm mạc nội soi (EMR- endoscopic mucosa resection, hoặc ESD – Endoscopic Submucosa Disection) [16-17]. Việc điều trị dự phòng nhiễm Helicobacter Pylori đến nay chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng trên thực tế, do hiện tượng tái nhiễm HP khó kiểm soát được [18-19].

5- TÓM TẮT

Ung thư dạ dày là bệnh lý thường gặp, việc có hay không tiến hành sàng lọc ung thư dạ dày trên thế giới còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên tại một số quốc gia có tỉ lệ mắc lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành sàng lọc chủ yếu áp dụng trên nhóm người có nguy cơ cao, độ tuổi > 40 hoặc 50 đang mang lại hiệu quả rất tích cực, nâng cao tỉ lệ phát hiện sớm và điều trị khỏi với kinh phí điều trị thấp, giảm được gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng. Xét nghiệm có ý nghĩa lớn nhất trong sàng lọc hiện nay là nội soi dạ dày có sử dụng dải tần ánh sáng hẹp NBI, bơm hơi căng và độ phóng đại lớn có hoặc không kết hợp với X quang dạ dày . Mục tiêu chính của sàng lọc là phát hiện các tổn thương tiền ung thư và điều trị dự phòng hoặc phát hiện các tổn thương ung thư sớm để điều trị hiệu quả. Ngoài ra các biện pháp khác như định lượng nồng độ Pesinogen huyết thanh, nồng độ TTF3 huyết thanh, hoặc micro RNA đang trong quá trình nghiên cứu có thể trong tương lai sẽ có vai trò hỗ trợ trong việc sàng lọc đối tượng nguy cơ cao để đưa vào sàng lọc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Torre LA, Bray F, Siegel RL, et al. Global cancer statistics, 2012. CA Cancer J Clin 2015; 65:87.
  2. Leung WK, Wu MS, Kakugawa Y, et al. Screening for gastric cancer in Asia: current evidence and practice. Lancet Oncol 2008; 9:279.
  3. Hamashima C, Shibuya D, Yamazaki H, et al. The Japanese guidelines for gastric cancer screening. Jpn J Clin Oncol 2008; 38:259.
  4. Choi IJ. Endoscopic gastric cancer screening and surveillance in high-risk groups. Clin Endosc 2014; 47:497.
  5. Hamashima C, Kim Y, Choi KS. Comparison of guidelines and management for gastric cancer screening between Korea and Japan. Value Health 2015; 18:A272.
  6. Park HA, Nam SY, Lee SK, et al. The Korean guideline for gastric cancer screening. J Korean Med Assoc 2015; 58:373.
  7. Choi KS, Jun JK, Park EC, et al. Performance of different gastric cancer screening methods in Korea: a population-based study. PLoS One 2012; 7:e50041.
  8. Longo WE, Zucker KA, Zdon MJ, Modlin IM. Detection of early gastric cancer in an aggressive endoscopy unit. Am Surg 1989; 55:100.
  9. Mizoue T, Yoshimura T, Tokui N, et al. Prospective study of screening for stomach cancer in Japan. Int J Cancer 2003; 106:103.
  10. Hamashima C, Saito H, Nakayama T, et al. The standardized development method of the Japanese guidelines for cancer screening. Jpn J Clin Oncol 2008; 38:288.
  11. Dan YY, So JB, Yeoh KG. Endoscopic screening for gastric cancer. Clin Gastroenterol Hepatol 2006; 4:709.
  12. Su ZX, Zhao J, Rong ZH, et al. Diagnostic and prognostic value of circulating miR-18a in the plasma of patients with gastric cancer. Tumour Biol 2014; 35:12119.
  13. Wang R, Wen H, Xu Y, et al. Circulating microRNAs as a novel class of diagnostic biomarkers in gastrointestinal tumors detection: a meta-analysis based on 42 articl
  14. Llorens P. Gastric cancer mass survey in Chile. Semin Surg Oncol 1991; 7:339.
  15. Pisani P, Oliver WE, Parkin DM, et al. Case-control study of gastric cancer screening in Venezuela. Br J Cancer 1994; 69:1102.es. PLoS One 2014; 9:e113401.
  16. Hirota WK, Zuckerman MJ, Adler DG, et al. ASGE guideline: the role of endoscopy in the surveillance of premalignant conditions of the upper GI tract. Gastrointest Endosc 2006; 63:570.
  17. Boeing H. Epidemiological research in stomach cancer: progress over the last ten years. J Cancer Res Clin Oncol 1991; 117:133.
  18. Ford AC, Forman D, Hunt RH, et al. Helicobacter pylori eradication therapy to prevent gastric cancer in healthy asymptomatic infected individuals: systematic review and meta-analysis of randomised controlled trials. BMJ 2014; 348:g3174.
  19. Wong BC, Lam SK, Wong WM, et al. Helicobacter pylori eradication to prevent gastric cancer in a high-risk region of China: a randomized controlled trial. JAMA 2004; 291:187.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.