1- ĐẠI CƯƠNG
Mặc dù hiện nay, sự hiểu biết về nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh đã được biết đến nhiều hơn, cũng như có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, tuy nhiên số mắc và tử vong do ung thư ngày càng có xu hướng nhiều hơn. Cụ thể, hàng năm, ước tính có khoảng hơn 14 triệu người mắc và 8 triệu ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới [1].
Đa phần bệnh nhân đến thường ở giai đoạn muộn, khi đó hiệu quả điều trị sẽ không được cao và những gánh nặng về tài chính, thể xác và tinh thần vẫn còn rất lớn. Do đó việc phòng ngừa ban đầu đối với bệnh ung thư là biện pháp tích cực hơn việc chẩn đoán và điều trị.
2- KHÁI NIỆM
Mục đích: Dự phòng bệnh ung thư nhằm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh ung thư nói chung. Ước tính có khoảng 50% các loại ung thư có thể phòng ngừa được [2].
Các bước: Bao gồm phòng bệnh bước 1, bước 2, bước 3 trong đó quan trọng là bước 1 và bước 2.
Phòng bệnh bước 1
Là phòng ngừa ban đầu nhằm cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư để phòng không cho xảy ra sự khởi phát và khởi động bệnh ung thư như không hút thuốc, không uống rượu, bảo hộ lao động tốt khi làm công tác phóng xạ.
Đây là bước phòng bệnh tích cực nhất.
Phòng bệnh bước 2
Là sàng lọc và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh, thậm chí những dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư như sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng…
Quá trình sàng lọc này chỉ có hiệu quả ở trên một số bệnh có những phản ứng (test) đặc hiệu, nhưng là chiến lược duy nhất có khả năng làm giảm tỷ lệ tử vong trong ung thư.
Việc thực hiện đòi hỏi phải động viên các cán bộ y tế, chuyên gia dịch tễ học và thống kê.
Phòng bệnh bước 3
Là tìm biện pháp điều trị có kết quả nhằm mục đích kéo dài số năm sống thêm của bệnh nhân.
3- DỰ PHÒNG BƯỚC 1
Muốn dự phòng ung thư tốt phải dựa vào 2 yếu tố dịch tễ học và nguyên nhân sinh ung thư. Các biện pháp dự phòng và sàng lọc bệnh ung thư chỉ nên được áp dụng cho những loại ung thư có tỷ lệ mắc cao trong cộng động. Hơn nữa, đã có rất nhiều yếu tố nguy cơ đã được chứng minh là có liên quan tới bệnh ung thư. Hút thuốc lá, yếu tố môi trường, béo phì, chế độ dinh dưỡng không phù hợp và tình trạng nhiễm vi sinh vật là nguyên nhân dẫn tới khoảng 2/3 tổng số bệnh ung thư ở Mỹ [3].
- Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới khoảng 21% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới, trong đó 90% ung thư phổi, 75% ung thư miệng, thực quản, hạ họng thanh quản, 5% ung thư bàng quang và nhiều loại ung thư khác nữa [4].
Nguy cơ gây ung thư tăng theo thời gian hút thuốc, hút thuốc lá thụ động cũng là một yếu tố nguy cơ.
Do đó cần có những biện pháp tích cực như:
- Tuyên truyền tác hại của thuốc lá
- Chống hút thuốc lá nơi công cộng
- Khuyên những người đang hút thuốc ngừng hút thuốc
- Hỗ trợ cho người bệnh ngừng hút
- Tổ chức thăm khám theo dõi định kỳ
Chú ý tuyên truyền đối với những thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc, phụ nữ mang thai.
- Dinh dưỡng không phù hợp
Yếu tố dinh dưỡng được xếp là nguyên nhân quan trọng thứ hai gây bệnh ung thư.
Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị, ăn các loại thức ăn bị mốc (trong đó sản sinh chất aflatoxin gây ung thư) và tránh uống nước hoặc ăn thức ăn quá nóng.
Rượu: gây ung thư gan, khoang miệng, thực quản và phần trên thanh quản. Quan tâm hơn cả là mối liên kết giữa thuốc lá và rượu có tác dụng cộng hưởng trên ung thư vùng đầu – cổ [5].
Cần tăng cường ăn nhiều hoa quả, rau và các loại vitamin [6]. Các chất vitamin nhất là β Carôten trong các rau quả màu đỏ (cà rốt, cà chua…) có tính chất chống ung thư [7].
- Yếu tố môi trường
Các nghiên cứu đã chứng minh một số yếu tố môi trường có liên quan tới ung thư như phóng xạ (bức xạ tia cực tím từ mặt trời liên quan tới ung thư da và bức xạ ion hoá trong chụp X Quang, cắt lớp vi tính có liên quan tới nhiều loại ung thư như ung thư tuyến giáp, bệnh bạch cầu), không khí ô nhiễm (tăng nguy cơ ung thư phổi), nước có nhiễm arsen (liên quan tới ung thư bàng quang) [8].
- Béo phì
Người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường và là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, tuỵ, ung thư vú sau mãn kinh… [2].
- Lối sống
Lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 5% các trường hợp tử vong do ung thư [9]. Do vậy, luyện tập thường xuyên thể dục thể thao ở mức độ phù hợp sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Nhiễm trùng
Ước tính có khoảng 17% ca mới mắc ung thư trên toàn thế giới có liên quan tới nhiễm trùng. [10]
Một số virut được biết là nguyên nhân gây ung thư ở người, virut viêm gan B, virut Epstein – Barr, virut bướu gai (HPV) và virut gây bệnh bạch cầu dòng lympho T ở người (HTLV). Vì vậy để phòng nhiễm virut viêm gan bằng cách tiêm chủng vacxin, ung thư cổ tử bằng cách tiêm vacxin phòng một số typ HPV đặc biệt là typ 16, 18, 31 và 45. [11]
- Yếu tố di truyền
Tiền sử gia đình cũng xem là yếu tố nguy cơ của một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư võng mạc mắt, bệnh khô da nhiễm sắc tố. Ở một số nước có phòng khám gen để tìm gen gây ung thư.
Phòng bệnh bằng một số biện pháp như bệnh xơ da nhiễm sắc thì không nên ra ánh nắng hoặc cắt polyp, cắt đại tràng trong bệnh đa polyp gia đình.
4- DỰ PHÒNG BƯỚC 2
Sàng lọc là cách đánh giá mỗi cá thể hay cộng đồng khoẻ mạnh về mặt lâm sàng, nhằm phát hiện ung thư tiền ẩn hay thương tổn tiền ung thư để điều trị khỏi. Mục tiêu của sàng lọc nhằm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư.
- Những nguyên tắc sàng lọc ung thư
Nguyên tắc sàng lọc trước tiên phụ thuộc vào bệnh ung thư: dịch tễ học, sinh bệnh học, chẩn đoán và điều trị.
- Dịch tễ: bệnh ung thư sàng lọc phải là bệnh phổ biến và là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Sàng lọc phải làm giảm tỷ lệ tử vong về mặt dịch tễ.
- Lịch sử tự nhiên: ung thư sàng lọc phải có giai đoạn tiền lâm sàng kéo dài, có thể phát hiện trước khi có các triệu chứng hoặc di căn của bệnh.
- Điều trị: sàng lọc chỉ có ý nghĩa khi bệnh điều trị có kết quả ở giai đoạn sớm.
- Chẩn đoán: bệnh ung thư muốn sàng lọc có thể phát hiện bằng khám lâm sàng hoặc cận lâm sàng được gọi là test sàng lọc.
- Các tiêu chuẩn của test sàng lọc ung thư
- Test sàng lọc phải đơn giản, thích hợp, được bệnh nhân và cộng đồng chấp nhận.
- Giá thành hạ.
- Ít tác dụng phụ.
- Độ nhạy (khả năng phát hiện ung thư đặc hiệu), độ đặc hiệu (khả năng loại trừ ung thư tốt), dự báo dương tính càng cao càng tốt.
Trong thực tế chúng ta rất mong muốn độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm cao, nhưng khi độ nhạy tăng lên thì độ đặc hiệu sẽ giảm đi. Chính vì vậy một test lý tưởng có thể áp dụng vào sàng lọc thì phải đảm bảo độ nhạy và độ đặc hiệu trên 80%.
- Ví dụ về sàng lọc một số bệnh ung thư
Ung thư vú: tự khám vú, khám lâm sàng bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, chụp X quang tuyến vú với các đối tượng có nguy cơ cao
Ung thư cổ tử cung: xét nghiệm pap test (tế bào học âm đạo) 1 năm một lần với đối tượng nguy cơ cao
Ung thư đại trực tràng: xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân và nội soi đại trực tràng.
TÓM TẮT:
- Có nhiều loại ung thư có thể phòng ngừa được. Dự phòng ung thư nhằm giảm tỷ lệ chết do bệnh ung thư. Dự phòng bệnh ung thư gồm các bước: Bao gồm phòng bệnh bước 1, bước 2, bước 3 trong đó quan trọng là bước 1 và bước 2. Các nhà khoa học đã chứng minh những thay đổi tích cực không chỉ phòng ngừa được bệnh ung thư mà còn giảm nguy cơ mắc những bệnh không lây nhiễm khác như bệnh tim mạch, đột quỵ và đái tháo đường.
- Phòng bệnh bước 1: Là phòng ngừa ban đầu nhằm cố gắng loại trừ hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các chất gây ung thư. Đây là bước phòng bệnh tích cực nhất.
- Phòng bệnh bước 2: Là sàng lọc và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh, thậm chí những dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư như sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng… Quá trình sàng lọc này chỉ có hiệu quả ở trên một số bệnh có những phản ứng (test) đặc hiệu như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng…
- Một số khuyến cáo được đưa ra đó là:
- Tránh hút thuốc lá
- Duy trì cân nặng phù hợp
- Duy trì tập thể dục thường xuyên
- Ăn chế độ ăn hợp lý như ăn nhiều trái cây, rau, củ quả và hạn chế chất béo, thịt đỏ và thịt đóng hộp
- Hạn chế rượu
- Phòng ngừa những bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiêm phòng HPV cho đối tượng phù hợp
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức
- Khám sàng lọc bệnh ung thư vú, cổ tử cung và ung thư đại trực tràng định kỳ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Torre LA, Bray F, Siegel RL, et al. Global cancer statistics, 2012. CA Cancer J Clin 2015; 65:87.
- Wolin KY, Carson K, Colditz GA. Obesity and cancer. Oncologist 2010; 15:556.
- Harvard Report on Cancer Prevention Volume 2: Prevention of Human Cancer. Cancer Causes and Control 1997; 8:S1.
- Brawley OW. Avoidable cancer deaths globally. CA Cancer J Clin 2011; 61:67.
- Allen NE, Beral V, Casabonne D, et al. Moderate alcohol intake and cancer incidence in women. J Natl Cancer Inst 2009; 101:296.
- (Benetou V, Orfanos P, Lagiou P, et al. Vegetables and fruits in relation to cancer risk: evidence from the Greek EPIC cohort study. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 2008; 17:387.)
- Martínez ME, Marshall JR, Giovannucci E. Diet and cancer prevention: the roles of observation and experimentation. Nat Rev Cancer 2008; 8:694.
- Whiteman DC, Whiteman CA, Green AC. Childhood sun exposure as a risk factor for melanoma: a systematic review of epidemiologic studies. Cancer Causes Control 2001; 12:69.)
- Harvard Report on Cancer Prevention. Volume 1: Causes of human cancer. Cancer Causes Control 1996; 7 Suppl 1:S3.
- American Cancer Society. Cancer Facts and Figures 2005. American Cancer Society, Atlanta, GA 2005.
- American College of Obstetricians and Gynecologists. ACOG practice bulletin. Cervical Cytology screening. Number 45, August 2003. Int J Gynaecol Obstet 2003; 83:237.